Vạch trần thủ đoạn cho thuê phòng trọ giá rẻ để lừa tiền cọc
Thị trường cho thuê phòng trọ luôn sôi động, đặc biệt tại các thành phố lớn, nơi nhu cầu về chỗ ở tăng cao mỗi ngày. Tuy nhiên, không ít người đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo tinh vi khi tìm kiếm phòng trọ giá rẻ. Những lời mời chào hấp dẫn như "phòng đẹp, giá rẻ, vị trí thuận tiện" kèm theo yêu cầu đặt cọc ngay lập tức đã khiến không ít người "nhẹ dạ cả tin" phải trả giá đắt. Trong bài viết này, Phongtro123.com xin chia sẻ những câu chuyện tìm trọ và vạch trần những thủ đoạn lừa tiền cọc phổ biến khi thuê nhà trọ giá rẻ.
Chia sẻ những câu chuyện thuê phòng trọ giá rẻ
Dưới áp lực giá cho thuê chung cư và phòng trọ tăng cao, nhiều người vô tình rơi vào bẫy lừa đảo từ các đối tượng cho thuê giá rẻ. Đây là một chiêu trò không mới nhưng vẫn khiến nhiều người mất cảnh giác và trở thành nạn nhân.
Do bị chủ nhà tăng giá tiền phòng cùng các chi phí điện nước, Đặng Mỹ và bạn cùng phòng quyết định tìm thuê phòng trọ mới tại TPHCM. Mỹ chia sẻ:
"Nguyên cả ngày mình tìm khắp nơi nhưng không được phòng nào phù hợp. Phòng ưng ý thì giá quá cao so với thu nhập, còn phòng trong khả năng tài chính lại quá tệ, mình không thể ở được. Vì vậy, mình đã đăng tin tìm phòng giá khoảng 3 triệu đồng trên một nhóm Facebook chuyên về phòng trọ. Một người tên Thảo đã nhắn tin giới thiệu một phòng trọ đã có người ở 5 năm, khu vực an ninh và chủ nhà còn là công an. Sau đó, Thảo cung cấp số điện thoại của chủ nhà để mình trực tiếp trao đổi.
Liên hệ với chủ nhà, mình được thông báo rằng phòng ở quận 4 nhưng chủ nhà đang đi công tác. Họ yêu cầu mình chuyển cọc trước 1 tháng tiền phòng (3 triệu đồng) để giữ chỗ, cam kết nếu đến xem phòng không đúng như hình sẽ hoàn tiền. Vì thấy giá thuê hợp lý, phòng lại mới sơn sửa đẹp, mình đã chuyển khoản mà không suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, chỉ một lát sau, chủ nhà lại yêu cầu mình chuyển thêm 3 triệu đồng với lý do 'kế toán cần chốt sổ sách cuối tháng'. Lúc này, mình mới nhận ra là đã bị lừa."
Tương tự, Ngô Phước (27 tuổi, Hà Nội) cũng trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo qua mạng, mất cọc 1 triệu đồng. Phước kể: "Mình tìm thấy một phòng trọ rất ổn trên mạng và lập tức nhắn tin hỏi chủ nhà. Một người tên Sơn trả lời rằng căn phòng mình muốn đã có gia đình chốt thuê, nhưng anh ta giới thiệu một căn khác rộng hơn một chút. Anh ấy còn nói sẽ liên hệ với gia đình kia để hỏi xem họ có muốn chuyển sang phòng lớn hơn, nhường lại phòng cho mình. Để tạo niềm tin, Sơn còn gửi tin nhắn trao đổi giữa anh ta và gia đình đó, rồi yêu cầu mình cọc trước 1 triệu đồng. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, Sơn đã thu hồi toàn bộ tin nhắn và chặn Facebook của mình. Đến lúc đó, mình mới nhận ra mình đã bị lừa."
Tình trạng chiếm đoạt tiền cọc cho thuê phòng trọ giá rẻ
Chiêu trò lừa đảo phòng trọ cho đã xuất hiện hàng chục năm qua. Xong gần đây, hình thức lừa đảo này bùng nổ trở lại do giá phòng trọ leo thang. Tại TPHCM, giá cho thuê phòng trọ đã tăng 20% chỉ trong vòng 10 tháng vừa qua, còn căn hộ tăng từ 5 - 15%, chủ yếu là phân khúc tầm trung và cao cấp. Tại Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng người thuê rút lui khỏi căn hộ chung cư cao cấp, do áp lực về tài chính. Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng xấu đã tìm cách chiếm đoạt tiền đặt cọc của những người mong muốn thuê được phòng trọ giá rẻ.
Thời gian qua, lực lượng công an ở nhiều tỉnh, thành phố đã triệt phá hàng loạt vụ lừa đảo thông qua các nền tảng trực tuyến. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng này là sao chép thông tin và hình ảnh từ những tin đăng nhà trọ thực tế, sau đó chỉnh sửa giá thuê và thay đổi thông tin liên hệ. Đặc biệt, các bài đăng này thường đưa ra mức giá thấp bất thường để thu hút những người đang tìm phòng trọ với chi phí phải chăng.
Nhiều ứng dụng đặt phòng trực tuyến cũng ghi nhận sự gia tăng đột biến của các vụ lừa đảo. Vào tháng 6 vừa qua, giám đốc an ninh thông tin của Booking cho biết, số vụ lừa đảo đã tăng từ 500% lên đến 900% chỉ trong vòng 10 tháng. Thậm chí, kẻ gian còn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng các kịch bản lừa đảo tinh vi, khiến người thuê trọ dễ dàng sập bẫy.
Một số nạn nhân chia sẻ rằng, các đối tượng này thường giả danh công an để tạo lòng tin. Khi người thuê yêu cầu xem nhà, họ viện đủ lý do không thể có mặt và liên tục thúc giục chuyển tiền đặt cọc để “giữ chỗ”. Nếu chần chừ, người thuê sẽ bị dọa mất cơ hội thuê nhà trọ.
Ngoài các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, một số đối tượng còn thuê nhà theo ngày, sau đó đăng tin lên mạng xã hội với giá thuê hấp dẫn để dụ khách. Điển hình, cuối năm ngoái, tại TP.HCM, cơ quan chức năng đã bắt giữ một nhóm chuyên thuê căn hộ theo ngày rồi giả làm chủ nhà, đăng tin tìm người ở ghép hoặc cho thuê theo tháng để chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Bên cạnh đó, công an cũng cảnh báo hai hình thức lừa đảo tiền cọc phòng trọ phổ biến khác. Thứ nhất, chủ nhà trọ có thể đưa ra giá thuê thấp ban đầu nhưng sau khi người thuê ở được một thời gian, họ liên tục tăng các chi phí phụ để buộc người thuê tự dọn đi, dẫn đến mất cọc. Thứ hai, đối tượng lừa đảo thường yêu cầu người thuê đặt cọc giữ chỗ với lý do phòng trọ có nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, địa chỉ được cung cấp thường là giả mạo, không tồn tại.
Để tránh trở thành nạn nhân, công an khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi tìm thuê phòng trọ, đặc biệt trên các website hay mạng xã hội. Hãy xác minh thông tin phòng trọ thông qua nhiều nguồn, đến trực tiếp để kiểm tra và tìm hiểu kỹ môi trường sống xung quanh. Chỉ nên đặt cọc khi có thỏa thuận và biên nhận rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Nếu bạn muốn tìm chỗ ở giá rẻ mà uy tín, hãy thử trải nghiệm dịch vụ tìm kiếm phòng trọ tại Phongtro123.com - Địa chỉ đáng tin cậy với hơn 10 năm kinh nghiệm, cam kết mang đến những thông tin cho thuê nhà trọ chính chủ được cập nhật liên tục.